DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA

         Nhà ngục Sơn La nằm ở trung tâm phường Tô Hiệu có ngọn đồi mang tên Khau Cả soi mình bên dòng suối Nậm La, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà ngục Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đày ải bởi thực dân Pháp.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước. Mặt khác, Pháp tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước, trong đó chúng đặc biệt chú ý đến Nhà ngục Sơn La. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản.

Nhà ngục Sơn La một chứng tích về âm mưu thâm độc và tàn ác dã man của thực dân Pháp đối với những người yêu nước Việt Nam. Nó đã trở thành một trung tâm giam cầm và đày ải, tiêu hao dần lực lượng cách mạng. Nhiều tù chính trị bị giam cầm tại nơi đây. Nhưng vượt lên trên tất cả, những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà ngục đế quốc thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo của ngục tù thành các viên gạch hồng ấm tình đồng chí của những bạn tù, biến bóng đêm đen tối thành tia sáng cách mạng tỏa ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Chính vì vậy, Nhà ngục Sơn La trở thành một trong những chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, góp phần đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho dân tộc, nổi bật là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí khác như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng...

Năm 1953, khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom Nhà ngục nhằm xóa đi dấu vết tội ác của chúng. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Sơn La, phá hủy một phần của Nhà ngục. Còn lại nguyên vẹn là cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gán với tên tuổi người Bí thư Chi bộ kiên trung của Nhà ngục vẫn trổ hoa rực rỡ khi mùa xuân về...

Năm 1980, bảo tàng Sơn La tiến hành phục chế lại lần thứ nhất: san lấp hố bom, xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh. Lần thứ hai, vào năm 1994, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xây dựng các bức tường của các phòng giam theo dấu vết của nền móng cũ.

Di tích Nhà ngục Son La được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Ngày 31-12-2014, được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2408/QĐ-TTg công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Di tích Nhà ngục Son La trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Mỗi năm, Nhà ngục đã đón tiếp hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập...


CÂY ĐA BẢN HẸO
         Nằm trên đường đi lấy củi của tù nhân Nhà ngục Sơn La và được Chi bộ Nhà ngục Sơn La chọn làm địa điểm liên lạc giữa Nhà ngục với lực lượng cách mạng bên ngoài như Ban Thường vụ Trung ưong Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Đội Thanh niên cứu quốc Thái do đồng chí Chu Văn Thịnh phụ trách... Tại đó, có bà Cà Thị Khiên cảm tình với cách mạng. Bà Khiên đã giúp đỡ, bảo vệ, địa điểm liên lạc vẫn an toàn cho đến ngày giải phóng. Ngày nay, gốc đa bản Hẹo đã trở thành di tích lịch sử, là một trong các điểm đến của du khách khi tham quan bảo tàng, Nhà ngục Son La.

Nghĩa trang Nhà tù Sơn La
         Nghĩa trang Nhà tù Sơn La còn có tên gọi khác là Nghĩa trang Gốc Ổi hay Nghĩa trang Tô Hiệu. Đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ cách mạng trong Nhà ngục Sơn La, trong đó có đồng chí Tô Hiệu và trên 100 tù nhân khác. Các ngày lễ, hội nghị lớn và nhiều đoàn khách của Trung ương cũng như địa phương bạn lên làm việc với tỉnh đều tổ chức thăm viếng, dâng hương tại đây.

Cầu Trắng
             Di tích lịch sử cầu Trắng nằm trên trục đường Quốc lộ 6 thuộc trung tâm thành phố Sơn La, ở vị trí km 308 thuộc tổ 1, tổ 4 phường Tô Hiệu (Bởi thế, cầu còn có tên gọi khác là cầu 308). cầu được xây dựng vắt qua dòng suối Nậm La, nằm trên đoạn đường quan trọng nối mạch giao thông từ thành phố Sơn La đi Điện Biên và xuôi Hà Nội theo dọc Quốc lộ 6.

Đây là một trong những trọng điểm bán phá ác liệt của bom Mỹ, chỉ tính từ năm 1965-1968, cầu phải hứng chịu tới 34 trận với 870 quả bom các loại, làm hư hại hoàn toàn hệ thống bê tông cốt thép dài 50m và hỏng nhiều đoạn đường hai bên đầu cầu.

Để đối phó với địch, ta đã lập trận địa trên quả đồi xung quanh khu vực cầu Trắng, bố trí sẵn sàng phòng thủ bán máy bay địch. Nhiều trận địa pháo cao xạ 37 ly, pháo phòng không liên tục chiến đấu với các đợt bắn phá ác liệt của địch. Đặc biệt là trận đánh ngày 21-6-1965, tại khu vực cầu Trắng, quân và dân ta đã bắn rơi 4 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ.

Các chiến sỹ, công nhân, cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc địa phương, trong đó có địa bàn Tô Hiệu ngày nay, dũng cảm chiến đấu và nhanh chóng kịp thời san bằng, sửa chữa những nơi bị máy bay địch bắn phá. Với tinh thần “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, khi cầu đường đang bị bắn phá khói bom chưa tan đã lập tức được sửa chữa “Chỉ có thể tắc giờ, không thể tắc ngày; Chỉ có thể tắc tuyến, không thể tắc hướng...”, bảo vệ giao thông vận tải được thông suốt, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, cầu được xây dựng lại vào năm 1976, đáp ứng nhu cầu thông thương từ miền xuôi lên trong công cuộc xây dựng vùng Tây Bắc của Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.


Bảo tàng Sơn La
         Bảo tàng Sơn La nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Nhà ngục Sơn La. Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, những hiện vật phản ảnh nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La.

Bảo tàng Sơn La hiện là nơi thu hút học sinh, sinh viên và du khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu tìm hiểu. Bảo tàng luôn phấn đấu phục vụ du khách tốt hơn, bổ sung tư liệu, hiện vật để có nội dung phong phú ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc, hẩp dẫn du khách trên con đường khám phá vùng núi Tây Bắc

Tác giả: Ngọc Vinh
Tin khác





 


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG TÔ HIỆU

Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Phường Tô Hiệu
 
Số 19 - Tổ 4- Phường Tô Hiệu - Thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La

SĐT: 02123.753936.

Email: ubtohieu.thanhpho@sonla.gov.vn- Website: http://thanhpho.sonla.gov.vn